Tinopal có nhiều dẫn chất ở dạng bột, dạng dung dịch được dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải sợi, nhựa, sơn, mực in hay mỹ phẩm và được dùng làm chất tẩy rửa trong gia dụng để tẩy trắng sản phẩm và làm sạch bề mặt vật dụng.
Độc tính đối với sức khỏe người do hóa chất tác động vào quá trình sinh tổng hợp của tế bào và gây ra các bệnh lý khác nhau tùy theo nồng độ hóa chất được ăn vào, thời gian ăn, mức độ đáp ứng của cơ thể mà có biểu hiện khác nhau. Ảnh hưởng sớm nhất là tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, có thể gây viêm loét ruột, dạ dày. Nếu bị nhiễm kéo dài có nguy cơ gây rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và có nguy cơ bị ung thư, tuy nhiên đến nay, các tài liệu nghiên cứu chi tiết về độc tính chưa được công bố nhiều.
Hóa chất này (ở bất kỳ dạng nào) đều không được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Một số nhà sản xuất sử dụng chất Tinopal trong sản xuất bún, bánh canh, bánh phở tươi có mục đích làm trắng và cải thiện độ bóng bề mặt và làm cho sản phẩm hấp dẫn hơn với người tiêu dùng.
Dấu hiệu để nhận dạng sản phẩm bún, bánh tươi... có ô nhiễm Tinopal là quan sát bằng mắt thường sản phẩm có mầu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng.
Để kiểm nghiệm định lượng Tinopal (CBS-X) trong thực phẩm, cần áp dụng kỹ thuật sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) sử dụng đầu dò huỳnh quang tại các cơ quan/đơn vị được xác nhận theo quy định của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (theo Công văn số 1731/ATTP-KN ngày 16/8/2013 của Cục An toàn thực phẩm).
Nên lựa chọn, mua sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng của cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, bánh tươi và đã được cơ quan chức năng chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
TS. Lâm Quốc Hùng -VFA