Nguy hiểm từ độc tố trong thực phẩm
Hiểm họa từ hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, quả
Các loại rau, củ, quả được tiêu thụ trên thị trường (nhất là các loại rau, củ, quả của Trung Quốc...) được bầy bán tràn lan với nhiều màu sắc hấp dẫn, khi mua về có thể bảo quản trong một thời gian dài mà vẫn không bị thối hỏng. Theo nhận định của các chuyên gia bảo vệ thực vật: Có rất nhiều các loại hóa chất bảo vệ thực vật khi tẩm ướt để bảo quản các loại quả sẽ làm cho quả tươi ngon nhiều ngày mà không bị vi khuẩn và nấm tấn công gây hại. Ví dụ như hóa chất sorbitol khi dùng để bảo quản trái cây có thể kéo dài thời gian bảo quản tới 3-4 tuần (so với không dùng thuốc)... Ngoài ra, một số loại phân bón lá (điển hình là phân SHS của Trung Quốc) nếu dùng để ngâm ủ giá đỗ sẽ tạo ra mầm giá trắng, to mập hơn bình thường và không có rễ. Một số thuốc trừ cỏ như 2,4 D hiện nay đã bị cấm do chứa hàm lượng độc tố cao và lâu phân hủy, khi phun lên trái cây (xoài, cam quýt, chuối, hồng xiêm...) sẽ làm cho vỏ quả có màu sắc sáng bóng và hấp dẫn, kích thước quả lớn hơn bình thường. Các loại hóa chất như ethephone, thioure... có tác dụng kích thích làm cây nhanh ra hoa và quả nhanh chín nhưng khi ăn các loại quả này sẽ gây ngộ độc cho con người. Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh khác có độ độc cao đã bị cấm sử dụng nhưng lại được người kinh doanh dùng trong bảo quản rau quả nên tính độc hại của chúng là rất cao, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người về trước mắt cũng như lâu dài. Tại một số chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố, khi phân tích các mẫu rau, quả đều cho kết quả tồn dư các loại hóa chất bảo vệ thực vật rất cao so với quy định. Trong khi các loại rau quả là thực phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của con người.
Các loại độc tố và kháng sinh trong thịt, cá
Hiện nay, do việc dùng các chất tăng trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại cá có chứa hàm lượng kháng sinh cao để phòng ngừa dịch bệnh đã trở nên quen thuộc ở nhiều trang trại chăn nuôi và các hộ gia đình. Nhiều hộ nuôi cá, lợn, gà thừa nhận họ không dám ăn thịt lợn, gà và cá được nuôi trong trang trại của mình do họ sử dụng quá nhiều chất kháng sinh. Ngoài ra, trong thành phần của các chất tăng trọng có chứa các hợp chất choramphunicol, clenbuterol, sbutamol nhằm tăng lượng thịt nạc và giảm lượng mỡ. Khi dùng các chất tăng trọng này để nuôi lợn thì thịt lợn có màu đỏ như thịt bò, hấp dẫn người tiêu dùng hơn so với các loại thịt khác. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi con người ăn phải những loại thịt này sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể và dễ bị nhiễm bệnh do giảm sức đề kháng. Vì vậy, khi chọn mua thịt lợn không nên chọn thịt lợn có màu đỏ sẫm khác thường cũng như tỷ lệ thịt nạc là chủ yếu mà hầu như không có thịt mỡ.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn sử dụng thuốc tăng trọng thuộc nhóm thuốc corticoid nhằm kích thích cho lợn, cá mau lớn bằng cách tích nước. Những loại lợn, cá được nuôi bằng phương pháp này thì thịt kém săn chắc, trơn láng và bóng nhẫy do trong thịt chứa nhiều nước. Khi xào nấu các loại thịt lợn và cá có chứa corticoid thì thịt sẽ bị teo lại do lượng nước trong thịt bị tiết ra ngoài. Hơn nữa khi rán mỡ, những loại mỡ lợn có thuốc corticoid sẽ không đông lại được (mặc dù là mùa đông) do trong mỡ có chứa nhiều nước. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khi con người ăn phải những loại thịt có chứa nhóm thuốc corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất của cơ thể, tim đập nhanh và ung thư bàng quang.
KS: PHẠM VĂN PHÚ
(Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang)